Quyết định 50/QĐ-HĐLSTQ của Hội đồng Luật sư toàn quốc về Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật
Ngày 8/3/2023, Hội đồng Luật sư toàn quốc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định 50/QĐ-HĐLSTQ về Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật. Trong đó, quy chế nêu rõ về thầm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, khiếu nại quyết định kỷ luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Theo Quyết định 50/QĐ-HĐLSTQ, Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật gồm 04 phần, 10 chương và 58 điều. Quy chế này quy định phạm vi, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, cách thức giải quyết, xử lý đối với: Khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư tại các Đoàn Luật sư; khiếu nại, tố cáo tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Đối tượng áp dụng của Quy chế là các Luật sư thành viên, Luật sư giữ các chức danh được bầu hoặc bổ nhiệm của Đoàn Luật sư, của Liên đoàn Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư, các cơ quan, đơn vị của Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kỷ luật quy định trong Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật.
Về cách giải thích từ ngữ trong Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật cũng được quy định rõ như sau:
– Khiếu nại là việc cá nhân, tổ chức đề nghị Đoàn Luật sư, Liên đoàn xem xét giải quyết đối với: hành vi của Luật sư (bao gồm cả các Luật sư giữ các chức danh trong các cơ quan của Đoàn Luật sư, Liên đoàn), người tập sự hành nghề Luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư (sau đây gọi tắt là Ban Chủ nhiệm), các cơ quan của Liên đoàn, Chủ tịch Liên đoàn; quyết định của Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, các cơ quan của Liên đoàn, Chủ tịch Liên đoàn vì cho rằng hành vi, quyết định đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
– Tố cáo là việc cá nhân báo cho Đoàn Luật sư, Liên đoàn biết là Luật sư (bao gồm cả các Luật sư giữ các chức danh trong các cơ quan của Đoàn Luật sư, Liên đoàn), người tập sự hành nghề Luật sư, các cơ quan của Đoàn Luật sư, Liên đoàn khi hành nghề hoặc thực hiện nhiệm vụ do Đoàn Luật sư, Liên đoàn giao đã có hành vi vi phạm pháp luật về Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, vi phạm quy định nội bộ khác của Đoàn Luật sư, Liên đoàn, gây thiệt hại đến lợi ích của Đoàn Luật sư, Liên đoàn hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo;
– Cơ quan xử lý được hiểu là các cơ quan tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật theo Quy chế này, bao gồm: Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật, Ủy ban Khen thưởng kỷ luật, Thường trực Liên đoàn;
– Người xử lý là những người phụ trách các công việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật theo Quy chế này, bao gồm: Chủ tịch Liên đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật và những người được phân công, ủy quyền phụ trách công việc xử lý;
– Người bị khiếu nại là Luật sư (bao gồm cả các Luật sư giữ các chức danh trong các cơ quan của Đoàn Luật sư, Liên đoàn), người tập sự hành nghề Luật sư, Ban Chủ nhiệm, các cơ quan của Liên đoàn;
– Người bị tố cáo là Luật sư (bao gồm cả các Luật sư giữ các chức danh trong các cơ quan của Đoàn Luật sư, Liên đoàn), người tập sự hành nghề Luật sư, các cơ quan của Đoàn Luật sư, Liên đoàn;
– Người bị xem xét kỷ luật là Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư đã bị Đoàn Luật sư thông báo thụ lý vụ việc kỷ luật và yêu cầu tiến hành xem xét trách nhiệm theo trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật;
– Người bị kỷ luật là Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư đã bị Ban Chủ nhiệm quyết định xử lý kỷ luật bằng các hình thức kỷ luật;
– Người khiếu nại, người tố cáo là cá nhân, tổ chức có khiếu nại; cá có tố cáo đề nghị Đoàn Luật sư, Liên đoàn giải quyết;
– Người liên quan là cá nhân, tổ chức không khiếu nại, tố cáo nhưng có liên quan đến vụ việc khiếu nại, tố cáo, kỷ luật;
– Vi phạm kỷ luật là vi phạm các quy định của pháp luật về Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, các quy định nội bộ của Liên đoàn, nội quy Đoàn Luật sư với mức độ phải chịu trách nhiệm kỷ luật;
– Vụ việc kỷ luật là toàn bộ công việc thụ lý, xác minh, nghiên cứu, đánh giá, kết luận, đề xuất xử lý, quyết định hình thức kỷ luật của người xử lý;
– Vụ việc khiếu nại là toàn bộ công việc của Đoàn Luật sư, Liên đoàn 3 trong việc thụ lý, xác minh, nghiên cứu, đánh giá, kết luận, đề xuất giải quyết, ra văn bản giải quyết khiếu nại;
– Vụ việc tố cáo là toàn bộ công việc của Đoàn Luật sư, Liên đoàn trong việc thụ lý, xác minh, nghiên cứu, đánh giá, kết luận, đề xuất giải quyết, ra văn bản giải quyết tố cáo;
– Đơn thư được hiểu là văn bản có nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức gửi đến Đoàn Luật sư, Liên đoàn để đề nghị giải quyết, xử lý đối với Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư, các cơ quan của Đoàn Luật sư, Liên đoàn, các chức danh của Đoàn Luật sư, Liên đoàn;
– Khiếu nại quyết định kỷ luật là việc Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư, người khiếu nại, người tố cáo trong vụ việc kỷ luật tại Đoàn Luật sư, không đồng ý với quyết định kỷ luật của Ban Chủ nhiệm và có đơn khiếu nại đến Ban Thường vụ Liên đoàn;
– Vụ việc khiếu nại quyết định kỷ luật là toàn bộ công việc của Liên đoàn trong việc thụ lý, xác minh, nghiên cứu, đánh giá, kết luận, đề xuất giải quyết, ra quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật.
Ngoài ra, mọi khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật theo Quy chế này phải được xem xét, giải quyết theo các nguyên tắc:
– Công tâm, khách quan, kịp thời, chính xác, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Quy chế này;
– Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý bằng một hình thức kỷ luật. Trong trường hợp có nhiều hành vi vi phạm thì xem xét đánh giá hình thức xử lý đối với từng hành vi và khi quyết định mức kỷ luật chung có thể áp dụng hình thức kỷ luật bằng hoặc cao hơn một mức so với hành vi vi phạm nặng nhất;
– Chỉ xem xét, áp dụng hình thức kỷ luật đối với hành vi vi phạm còn thời hiệu chịu trách nhiệm kỷ luật;
– Khuyến khích người bị khiếu nại, tố cáo, xem xét kỷ luật hòa giải, khắc phục hậu quả đối với người khiếu nại, người tố cáo;
– Khi xử lý kỷ luật phải xem xét đến tính chất, mức độ, nguyên nhân, điều kiện vi phạm, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trách nhiệm kỷ luật để quyết định hình thức kỷ luật phù hợp;
– Khi tiến hành xử lý kỷ luật phải tôn trọng danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị khiếu nại, tố cáo, xem xét kỷ luật;
– Người bị khiếu nại, người bị tố cáo, người bị xem xét kỷ luật, người bị kỷ luật có nghĩa vụ chấp hành các yêu cầu của cơ quan xử lý, người xử lý.
Quyết định 50-/QĐ-HĐLSTQ này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.