Đoàn luật sư Khánh Hòa
  • Facebook
  • Intagram
  • Youtube
  • Twitter
  • Hotline

TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ

TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP QUẢN LÝ  HOẠT ĐỘNG LUẬT SƯ         

        Thực hiện Công văn số 1408/BTP-BTTP ngày 13/4/2023 của Bộ Tư pháp về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động luật sư, ngày 17/4/2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Công văn số 122/LĐLSVN đề nghị các Đoàn Luật sư trong toàn quốc triển khai ngay một số nội dung sau:

         Thứ nhất, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư các địa phương tăng cường giám sát hoạt động hành nghề luật sư, nhắc nhở, chấn chỉnh các hành vi có dấu hiệu sai phạm của luật sư, trong đó nhấn mạnh việc giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự nghề nghiệp luật sư và ý thức tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

          Thứ hai, Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư, trong đó chú trọng bồi dưỡng về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư; về việc sử dụng mạng xã hội trong hoạt động hành nghề luật sư; về nội dung thực hiện dịch vụ pháp lý liên quan đến hoạt động xử lý nợ và bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các quy định pháp luật có liên quan.

            Thứ ba, Kịp thời phát hiện, phản ánh với Sở Tư pháp, các sở, ngành liên quan tại địa phương và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về tình hình hoạt động của cá nhân, tổ chức doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký ngành nghề dịch vụ pháp lý mà có hoạt động không phù hợp với quy định của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Luật sư.

 

  • Công văn số 1408/ BTP-BTTP ngày 13/4/2023 của Bộ Tư pháp  nêu rõ: Thời gian gần đây, tình hình hoạt động hành nghề luật sư nổi lên một số hiện tượng, như :tổ chức hành nghề luật sư hợp tác với các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu  bằng các hành vi đòi nợ theo kiểu “ xã hội đen”,hoặc “núp bóng” tổ chức hành nghề luật sư thay mặt và đại diện tổ chức tín dụng tiếp xúc với khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng để yêu cầu các khách hàng này thực hiện nghĩa vụ thanh toán bằng các hình thức vi phạm pháp luật (đe dọa, khủng bố..); luật sư có hành vi môi giới hối lộ, phát tán trên mạng xã hội những hình ảnh,bài viết chưa được kiểm chứng liên quan đến bí mật cá nhân hoặc bí mật của tổ chức có dấu hiệu phạm tội hình sự. Bên cạnh đó, có tình trạng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không phải là luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nhưng vẫn treo biển hiệu gây nhầm lẫn là luật sư, tổ chức hành nghề luật sư,làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự tại địa phương và hình ảnh, uy tín của nghề luật sư. Để kịp thời chấn chỉnh các dấu hiệu sai phạm trong hoạt động hành nghề của luật sư và tăng cường hiệu quả công tác tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, Bộ Tư pháp đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu và khẩn trương quán triệt các Đoàn Luật sư địa phương nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:

    Thứ nhất, đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư các địa phương tăng cường giám sát hoạt động hành nghề luật sư, nhắc nhở, chấn chỉnh các hành vi có dấu hiệu sai phạm của luật sư, trong đó nhấn mạnh việc giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự nghề nghiệp luật sư và ý thức tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và  Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

     Thứ hai,khẩn trương hoàn thiện, triển khai kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư năm 2023, đôn đốc các Đoàn Luật sư thực hiện bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư, trong đó chú trọng bồi dưỡng về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư, về việc sử dụng mạng xã hội trong hoạt động hành nghề luật sư, về nội dung thực hi ện dịch vụ pháp lý liên quan đến hoạt động xử lý nợ và bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các quy định pháp luật có liên quan.

      Thứ ba, đề nghị các Đoàn Luật sư kịp thời phát hiện, phản ánh với Sở Tư pháp, các sở,  ngành liên quan tại địa phương về tình hình hoạt động của cá nhân, tổ chức doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký ngành nghề dịch vụ pháp lý mà có hoạt động không phù hợp với quy định của  Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Luật sư.