Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành Văn bản số 4312/C01-P2 về việc trả lời kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ngày 26/7/2021 ,Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Văn bản số 227/LĐLSVN kiến nghị Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, lãnh đạo các Cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương xem xét cơ chế phối hợp, tạo điều kiện cho Luật sư tham gia tố tụng các vụ án hình sự trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có ý kiến như sau:
1) Đối với kiến nghị thông báo kế hoạch hỏi cung và các hoạt động tố tụng khác sớm hơn thời hạn 03 ngày (đối với Luật sư cùng địa phương) và trước 04 ngày (đối với Luật sư ở địa phương khác).
Việc thông báo cho Luật sư về kế hoạch hỏi cung và các hoạt động tố tụng khác được Cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an là phù hợp và tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an cũng đã quy định linh hoạt cho trường hợp “thời hạn sớm hơn”, cụ thể: “Trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất trí với Điều tra viên, Cán bộ điều tra thời hạn sớm hơn thì việc thực hiện các hoạt động tố tụng được thực hiện theo thỏa thuận đó”.
Do đó, đối với kiến nghị nêu trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam hướng dẫn các Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề và Luật sư chủ động phối hợp với Điều tra viên, Cán bộ điều tra để thống nhất việc thông báo kế hoạch hỏi cung và các hoạt động tố tụng khác sớm hơn so với quy định.
2)Đối với kiến nghị không phân biệt giấy xét nghiệm kết quả test nhanh hay test RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 khi Luật sư vào làm việc, tham dự hỏi cung trong Cơ sở giam giữ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Theo Bộ Công an, hiện nay, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc xét nghiệm chuẩn đoán SARS-CoV-2 bằng test nhanh và test RT-PCR là giải pháp hiệu quả giúp chuẩn đoán, phát hiện những người bị nhiễm bệnh để đưa đi cách ly, điều trị theo quy định, từ đó ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Vì vậy,trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, mức độ lây lan với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, việc các Cơ sở giam giữ thực hiện yêu cầu Luật sư khi đến làm việc, tham dự hỏi cũng phải có kết quả test âm tính với SARS-CoV-2 là cần thiết khi đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch bệnh.
Xét nghiệm test nhanh và test RT-PCR là 2 phương pháp được Bộ Y tế cấp phép thực hiện để tìm kiếm bằng chứng nhiễm SARS-CoV-2. Tuy vậy, mỗi phương pháp lại có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tùy thuộc vào từng đối tượng, giai đoạn, diễn biến lâm sàng ở người bệnh mà nhân viên y tế sẽ thực hiện 1 hoặc cả 2 phương pháp.
Mặt khác, tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, tùy từng thời điểm, tùy từng địa phương,… mà Chính phủ, Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các quy định phòng, chống dịch khác nhau. Theo đó, việc công nhận kết quả test nhanh hay test RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 tại mỗi thời điểm, tại mỗi địa phương nơi Cơ Sở giam giữ đặt trụ sở cũng khác nhau. Do đó, việc Cơ sở giam giữ linh hoạt công nhận kết quả test nhanh hay test RT-PCR âm tính với SARS-CoV 2 là phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam hướng dẫn các Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề và Luật sư phối hợp với Điều tra viên, cán bộ điều tra trao đổi với Cơ sở giam giữ để nắm trước các quy định, chuẩn bị kết quả test nhanh hay test RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trước khi vào làm việc, tham dự hỏi cung trong Cơ sở giam giữ.
Văn bản số 4312/C01-P2 của Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an
CVBOCONGAN-LDLSVNTải về