Hiện nay, Bộ Tư pháp đang lấy kiến đóng góp Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 19/2013/TT-BTP (hướng dẫn tập sự nghề luật sư) với những quy định đảm bảo người tập sự không thuộc trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định của Luật luật sư, đảm bảo tiêu chuẩn tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và phẩm chất đạo đức tốt của người tập sự..
Trong thời gian qua, có một số trường hợp phát hiện người đạt kết quả kiểm tra hoặc người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư tập sự khi không đủ điều kiện như tập sự khi đang là cán bộ, công chức, viên chức, tập sự trong thời gian chưa được xóa án tích. Đồng thời, Điều 2a của Nghị định số 137/2018/NĐ-CP có sửa đổi, bổ sung quy định những người không đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt có liên quan đến việc tập sự hành nghề luật sư. Do đó, để đảm bảo người tập sự không thuộc trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định của Luật luật sư, đảm bảo tiêu chuẩn tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và phẩm chất đạo đức tốt của người tập sự, dự thảo Thông tư quy định về các trường hợp không được đăng ký tập sự hành nghề luật sư.
Theo đó, đối với những người đăng ký tập sự thuộc trường hợp vi phạm quy định của Luật Luật sư và thuộc trường hợp quy định điều 2a Nghị định số 137/2018/NĐ-CP, Đoàn luật sư có quyền từ chối nhận người tập sự hành nghề luật sư .
Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp không đủ điều kiện tập sự hành nghề luật sư vẫn được tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn luật sư nhận tập sự và được Liên đoàn luật sư Việt Nam cho tham dự kiểm tra (ví dụ như tập sự trong thời gian chưa được xóa án tích; tập sự khi vẫn đang là cán bộ, công chức, viên chức…)
Những người đã hoàn thành thời gian tập sự mà bị phát hiện thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư (những trường hợp không được đăng ký tập sự) thì không được công nhận thời gian tập sự hành nghề luật sư.
Theo Bộ Tư pháp, quy định này đảm bảo thanh lọc đội ngũ người tập sự, từ đó loại bỏ những trường hợp gian dối khi khai hồ sơ ra khỏi đội ngũ luật sư, góp phần nâng cao chất lượng luật sư, nâng cao tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt của luật sư. Những Người đăng ký tham dự kiểm tra hết tập sư mà bị phát hiện thuộc trường hợp không được tập sự thì Hội đồng kiểm tra có văn bản từ chối cho tham dự kiểm tra, trong đó nêu rõ lý do. Ngay cả khi những người này đã đạt kết quả kiểm tra mà bị phát hiện thuộc trường hợp không được tập sự thì vẫn bị hủy kết quả kiểm tra và phải tập sự lại theo quy định tại Điều 5 của Thông tư.
Nội dung quy định trên nhằm đảm bảo người tham dự kiểm tra có đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, phẩm chất đạo đức và không thuộc trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định của Luật luật sư.
Dự thảo Thông tư bổ sung quy định chế tài đối với người đứng đầu tổ chức hành nghề, luật sư hướng dẫn, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư không làm tròn trách nhiệm tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát; khi người tập sự có vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp thì phải có cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm. Hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã bổ sung vào Điều 8 về hành vi vi phạm của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư một số hành vi nêu trên, đồng thời quy định về trách nhiệm của Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp theo hướng cụ thể, chi tiết hơn nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, giám sát hoạt động tập sự hành nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.
* Người không đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; người không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật luật sư:
1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không đủ tiêu chuẩn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật luật sư:
a) Đã bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức mà quyết định kỷ luật chưa chấm dứt hiệu lực hoặc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực; đã bị xử lý hành chính về một trong các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác, quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ nhưng chưa hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hành chính;
b) Đã bị xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự hoặc có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về một trong các hành vi liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia; ứng xử, phát ngôn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tham gia, lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người để gây rối trật tự công cộng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy định tại điểm b, d, e, g, i hoặc k khoản 1 Điều 9 của Luật luật sư; vi phạm pháp luật khác do cố ý đã bị xử lý kỷ luật từ hai lần trở lên.
2. Người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà quyết định kỷ luật đã chấm dứt hiệu lực hoặc đã hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hành chính hoặc người bị kết án về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà đã được xóa án tích và không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này nếu có văn bản giải trình, cam kết về quá trình phấn đấu về việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi làm việc cuối cùng của người đó trước thời điểm đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú thì được coi là đã sửa chữa, rèn luyện và đáp ứng tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật luật sư.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, thông tin về quá trình phấn đấu, rèn luyện về việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt của người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại khoản 2 Điều này.
Trong trường hợp hồ sơ chưa thể hiện rõ quá trình phấn đấu, rèn luyện về việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt thì cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tiến hành xác minh thực tế thông tin tại cơ quan, tổ chức đã ra quyết định xử lý kỷ luật, các cơ quan, tổ chức mà người đó công tác sau khi bị kỷ luật, Đoàn luật sư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan hoặc làm việc trực tiếp với người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư để làm rõ.
4. Liên đoàn luật sư Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn Đoàn luật sư giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, người tập sự hành nghề luật sư; yêu cầu Đoàn luật sư hoặc trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tăng cường thẩm tra tiêu chuẩn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt của người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.”
(Trích Điều 2a Nghị định số 137/2018/NĐ-CP )