Đoàn luật sư Khánh Hòa
  • Facebook
  • Intagram
  • Youtube
  • Twitter
  • Hotline

Góp ý dự thảo Thông tư: Cần bảo đảm quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại

Góp ý dự thảo Thông tư: Cần bảo đảm quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại

Việc xử lý đơn khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại (QĐGQKN) đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 44 Luật Khiếu nại thì người xử lý đơn không thụ lý, không chuyển đơn mà hướng dẫn người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Đây là một trong những nội dung tại dự thảo Thông tư của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang lấy kiến đối với dự thảo Thông tư quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Theo đó, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, đơn phản ánh sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật.

Chúng tôi nhận thấy nội dung dự thảo quy định theo hướng đảm bảo quyền khởi kiện vụ án hành chính của người khiếu nại, bởi theo các đạo luật về khiếu nại và tố tụng hành chính đều quy định người khiếu nại được quyền khởi kiện ra tòa hành chính trong bất cứ thời điểm nào, trước khi khiếu nại, sau khi khiếu nại lần đầu, sau khi khiếu nại lần thứ hai, cụ thể:

– Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) là trái pháp luật xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra QĐHC hoặc cơ quan có người có HVHC hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính (TTHC)

– Hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại Điều 28 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật TTHC.

– Hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai quy định tại Điều 37 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với QĐGQKN lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật TTHC.

Từ thực tiễn tham gia tranh tụng các vụ án hành chính, chúng  tôi nhận  thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại liên quan đến việc xác định thời điểm các QĐGQKN có hiệu lực để các cơ quan có thẩm quyền có căn cứ không thụ lý khiếu nại; Không thụ lý đơn khởi kiện đối với QĐGQKN đã có hiệu lực. Có như vậy, các QĐGQKN có hiệu lực pháp luật  phải được thi hành ngay.

Theo Điều 44  Luật Khiếu nại năm 2011 quy định QĐGQKN có hiệu lực pháp luật trong các trường hợp sau:

–  QĐGQKN lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. 

–  QĐGQKN lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kếo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. 

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với QĐGQKN có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật TTHC. QĐGQKN có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.

  • Khi nào QĐGQKN có hiệu lực pháp luật?

Theo các đạo luật về khiếu nại và tố tụng hành chính đều quy định người khiếu nại thực hiện quyền khởi kiện ra tòa hành chính trước khi khiếu nại lần đầu, sau khi khiếu nại lần đầu, sau khi khiếu nại lần thứ hai với điều kiện tuân thủ thời hiệu, thời hạn khiếu nại,

Khoản 1, khoản 2 Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 đã  quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại lầu đầu hoặc lần hai  mà người khiếu nại không khiếu nại để xác định QĐGQKN có hiệu lực pháp luật thi hành ngay, là không phù hợp với  trình tự thủ tục khiếu nại và khởi kiện, bởi  dù  hết thời hạn khiếu nại QĐGQKN lần đầu hoặc lần hai, người khiếu nại vẫn được quyền khởi kiện các QĐGQKN ra Tòa án nếu còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC.

Khoản 7 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Khiếu nại đã có QĐGQKN lần hai thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết” .Do đó, dự thảo thông tư quy định không thụ lý, không quy định trả lại đơn, không chuyển đơn  và  hướng dẫn  hướng dẫn người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về  tố tụng hành chính  là đảm bảo quyền khởi kiện của người khiếu nại.

Vì vậy, chúng tôi góp ý dự thảo thông tư nên có quy định hướng dẫn người khiếu nại khởi kiện QĐGQKN tại Tòa án có thẩm quyền trong trường hợp còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC.  

Tương tự, việc xác định thời điểm quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực theo pháp luật đất đai cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Ngày 06/01/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/03/2017).

Tại khoản 58 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐCP bổ sung Điều  90a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thời hiệu giải quyết tranh chấp lần hai và hiệu lực thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, như sau:

“1.Sau khi nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của người có thẩm quyền mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết thì phải gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lần hai đến người có thẩm quyền. 

Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu hoặc không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.

  1. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không quá 45 ngày thì quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai có hiệu lực thi hành”.

Việc xác định thời điểm quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành rất quan trọng, vì nó liên quan đến việc tổ chức cưỡng chế, giải quyết khiếu kiện  ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và các bên đương sự có liên quan.

Luật Đất đai 2013 đã quy định, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND có thẩm quyền, đương sự được quyền lựa chọn việc khiếu nại đến cơ quan giải quyết lần hai (thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường) hoặc khởi khởi kiện theo Luật TTHC.

Quy định về giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai được quy định tại Chương XIII (Điều 203, 204 Luật Đất đai 2013)  và Chương IX Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014  về xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo đó, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện QĐHC hoặc HVHC về quản lý đất đai. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại QĐHC, HVHC về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện QĐHC, HVHC về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về  TTHC.

Theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP, nếu không đồng ý quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu,đương sự phải gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lần hai đến người có thẩm quyền. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không quá 45 ngày thì quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai có hiệu lực thi hành.

Trong khi đó các đạo Luật Khiếu nại 2011,Luật Đất đai năm 2013, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều quy định đảm bảo quyền khởi kiện, đảm bảo quyền lựa chọn khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, kể cả quyết định giải quyết tranh chấp lần hai.

Thực tiễn xét xử các vụ khiếu kiện các QĐHC trong lĩnh vực quản lý đất đai, QĐGQKN cho thấy trường hợp không đồng ý với  QĐGQKN lần hai, không đồng ý quyết định giải quyết tranh chấp lần hai, các bên đương sự tiếp tục khởi kiện đều được Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo Luật TTHC. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị quy định tại Nghị định 01/2017 và Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 cần sửa đổi, bổ sung quy định xác định thời điểm QĐGQKN, quyết định giải quyết tranh chấp đất có hiệu lực để đảm bảo quyền khởi kiện đối với các QĐGQKN, đảm bảo việc thi hành các QĐGQKN, quyết định tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

(Bài đăng trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam ngày 7- 8 -2021)