Đoàn luật sư Khánh Hòa
  • Facebook
  • Intagram
  • Youtube
  • Twitter
  • Hotline

THÔNG BÁO Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tại Hội nghị chuyên đề “ Thực trạng và giải pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”

THÔNG BÁO  SỐ 17 -TB/BCĐ NGÀY 5/9/2023 Kết luận của  Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tại Hội nghị chuyên đề “ Thực trạng và giải pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”

Ngày 24/8/2023, tại Hội nghị chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao tỷ lệ giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, sau khi nghe Ban Nội chính Tỉnh ủy (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh) trình bày Báo cáo kết quả thụ lý, giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2023 và các tham luận, ý kiến đề xuất của các cơ quan, đơn vị tham dự Hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh kết luận như sau:Trong 02 năm qua,với sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc,trở thành điểm sáng của cả nước về tốc độ phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của tỉnh tăng 7,86%, xếp thứ 9 cả nước và thứ 2 vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đang tiếp tục được phát huy. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo đúng định hướng. Công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện và tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu được chú trọng; nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng được triển khai thực hiện đúng tiến độ… Trong tiến trình đô thị hóa, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương không thể tránh khỏi tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, dẫn đến gia tăng khiếu kiện về hành chính, nhất là các vụ việc liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, với tính chất ngày càng phức tạp. So với năm 2020, tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại án năm 2022 của Tòa  án nhân dân hai cấp tỉnh Khánh Hòa tăng 12,4% (84% so với 71,6%);  tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán là 0,4%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ Quốc hội cho phép (dưới 1,5%). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn, rất đáng được biểu dương của ngành Tòa án tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, tình trạng tỷ lệ giải quyết án hành chính chưa đạt chỉ tiêu kéo dài nhiều năm là  rất đáng quan tâm, ngoài năm 2020  vượt 4,2% thì các năm sau lần lượt là 37,5%; 58,9% và 22,5%. Thực trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng  của người dân, doanh nghiệp; thậm chí quan trọng hơn, là ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa của Nhà nước và đặc biệt là uy tín của nền hành chính địa phương.

Tại Hội nghị, trên cơ sở phân tích kỹ các nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong công tác giải quyết án hành chính,Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

  1. Các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị

Thường xuyên quán triệt việc chấp hành nghiêm Luật Tố tụng Hành chính; nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, khẳng định việc thực hiện các yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính là trách nhiệm thực thi công vụ; bảo đảm sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

2. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh

 2.1. Chỉ đạo chính quyền các cấp tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện tốt công tác đối thoại, tiếp công dân định kỳ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; góp phần tạo sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

  2.2. Chỉ đạo người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng hành chính theo đúng quy định của Luật Tố tụng Hành chính. Đồng thời, chỉ đạo công chức được cử làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND, chủ tịch UBND các cấp là người bị kiện trong vụ án hành chính phải tham dự đầy đủ các phiên họp, đối thoại và phiên tòa xét xử vụ án hành chính; nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các cơ sở pháp lý của các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện để tham mưu người bị kiện xử lý đúng quy định, hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhân dân.

  2.3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ cho các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng quy định tại 3 Quy chế phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ án hành chính và thi hành án dân sự, hành chính của Ban cán sự đảng UBND tỉnh với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh và Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; chỉ đạo Sở Tư pháp theo dõi, đánh giá chất lượng việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của các cơ quan, đơn vị trực thuộc để có biện pháp chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm kịp thời.        

  3. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh

 3.1. Chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, khả thi trong áp dụng thực tiễn; nghiên cứu các ý kiến góp ý tại Hội nghị để tổng hợp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh một số quy định của Luật Tố tụng Hành chính để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.

3.2. Chỉ đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh định kỳ triển khai giám sát đối với hoạt động của ngành Tòa án và Thi hành án dân sự; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để cùng phối hợp thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về công tác xét xử, thi hành án hành chính do Quốc hội và ngành cấp trên giao.

4. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh -Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh

 4.1. Kịp thời bổ sung Thẩm phán, Thư ký có năng lực cho Tòa Hành chính khi được bố trí thêm biên chế. Trước mắt, cần cân đối lại nhân sự và công việc của Tòa án nhân dân hai cấp, đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu giải quyết án, nhất là tỷ lệ giải quyết án hành chính.

 4.2. Thường xuyên đôn đốc tiến độ giải quyết án của Thẩm phán; định kỳ tiến hành kiểm tra án quá hạn, tạm đình chỉ kéo dài; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp Thẩm phán không tích cực, chủ động trong giải quyết các vụ án.

 4.3.  Khẩn trương thiết lập các điểm cầu phục vụ xét xử trực tuyến kết nối đến trụ sở UBND tỉnh, UBND cấp  huyện theo chủ trương đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất tại Công văn số  3512-CV/VPTU, ngày 21/11/2022 của Văn phòng Tỉnh ủy.

4.4. Chủ động thực hiện Quy chế phối hợp số 43-QC/BCSĐUBND-BCSĐTAND, ngày 03/02/2021 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh; kịp thời thông tin, trao đổi với UBND tỉnh các trường hợp sở, ban, ngành chấp hành chưa nghiêm nghĩa vụ cung cấp thông  tin, tài liệu, chứng cứ để chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

5. Ban Nội chính Tỉnh ủy – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh

Tiếp thu các ý kiến góp ý,  đề xuất tại Hội nghị, tham mưu văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, cần xác định việc các cơ quan Nhà nước tham gia đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ phục vụ Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giao Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh theo dõi, đôn đốc, tham mưu Ban Chỉ đạo đánh giá trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, Viện kiểm sát để giải quyết các vụ án hành chính; báo cáo, tham mưu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chỉ đạo thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật theo đúng quy định.         

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC  

Kiêm TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO

    Nguyễn  Khắc Toàn